uploads/banner/Banner_Final_AnPhu.jpg
tickTIN » 

Công ty Nhật rời Trung Quốc đến Đông Nam Á

Lý do chính cho làn sóng này là nhân công rẻ, nhu cầu mua hàng hóa Nhật Bản lớn, và tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng.

Khoảng một phần ba các lô đất trong khu công nghiệp 3,6 triệu m2 ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh (Campuchia) vẫn còn trống. Nhưng nó đang dần được lấp đầy bởi hàng loạt công ty tên tuổi từ Nhật Bản như Toyota, Yamaha, Ajinomoto hay Minebea. Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm đầu tư mới của Nhật Bản.

Ông Hiroshi Uematsu, giám đốc một vùng kinh tế tập trung ở Phnom Penh (Campuchia) cho biết: "Trung Quốc từng là công xưởng của thế giới. Nhưng giờ việc này không còn nữa". Chi phí nhân công tại đây đang tăng lên và căng thẳng lãnh thổ giữa hai nước vẫn còn tiếp diễn. Thêm vào đó, động đất năm ngoái tại Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan càng khiến doanh nghiệp nước này có nhu cầu mở rộng sản xuất, để ngăn chặn việc gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Một nhà máy của Mitsubishi tại Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
Một nhà máy của Mitsubishi tại Thái Lan. Ảnh: Bloomberg

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của nước này vào 10 quốc gia trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng tăng hơn gấp đôi trong năm ngoái, lên 1.550 tỷ yen (19,3 tỷ USD). Chỉ trong quý III, FDI ròng của Nhật Bản vào ASEAN cũng tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, Malaysia và Philippines là những điểm đến ưa thích của nước này.

Sự hấp dẫn của Đông Nam Á không chỉ nằm ở nhân công rẻ mà còn ở tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, khu vực 600 triệu dân này có nhu cầu mua ôtô và hàng điện tử của Nhật rất lớn.

Số liệu mới nhất của ASEAN cũng cho thấy Nhật Bản đang đầu tư rất mạnh vào khu vực này. Với Việt Nam, nước này cam kết đầu tư tới 4,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm - gấp đôi so với cả năm 2011.

Theo Ủy ban Đầu tư Thái Lan, các dự án của Nhật Bản vào đây cũng tăng gần gấp ba trong 9 tháng đầu năm. Công ty ôtô Nissan đặt mục tiêu tăng gấp ba doanh thu tại ASEAN năm 2017, và xây thêm một nhà máy lắp ráp tại Thái Lan trị giá 358 triệu USD.

Ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Honda và Suzuki tuyên bố sẽ mở rộng sản xuất quy mô lớn. Toyota cũng cân nhắc xây nhà máy ôtô thứ ba tại đây để gấp ba sản lượng hàng năm lên 300.000 chiếc.

Nhật Bản cũng chính là quốc gia tiên phong trong việc thâm nhập thị trường tiềm năng Myanmar, khi nước này thực thi hàng loạt chính sách cải tổ trong năm nay. Họ đã rót hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, xóa nợ và tái cấp vốn cho Myanmar. Ông Peter Brimble - nhà kinh tế cấp cao tại ADB cho biết: "Các nhà đầu tư Nhật Bản rất khó thuyết phục. Nhưng một khi đã quyết định, họ sẽ hành động rất nhanh".

Uematsu cho biết Trung Quốc đã trở thành "mối đau đầu" với các công ty Nhật Bản do chi phí nhân công tăng và quan hệ với lao động không tốt. Ông nói: "Người trẻ Trung Quốc không còn muốn làm trong các nhà máy nữa. Vì họ còn nhiều lựa chọn khác".

Ngày càng có nhiều công ty Nhật coi Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là một hành lang sản xuất liền mạch. Uematsu so sánh: "Thật vô nghĩa nếu tách họ làm ba quốc gia riêng biệt! Đó là một khu vực. Bangkok là Tokyo, Phnom Penh là Nagoya và TP HCM là Osaka".

Hà Thu - vnexpress.net