uploads/banner/Banner_Final_AnPhu.jpg
tickTIN » 

Gần 50 tỷ đồng mua được tài sản nghìn tỷ

Tâp đoàn Thái Hòa, Nam Vang và Công ty Đầu tư xây lắp Dầu khí Sài Gòn đều có tổng tài sản trên 1.000 tỷ đồng, nhưng mức vốn hóa hiện tại của những đơn vị này chỉ từ 15 đến gần 50 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV) đến 30/9 là 1.235 tỷ đồng. Nhưng giá đóng của của THV hôm 12/11 là 800 đồng một đơn vị. Với khoảng 57,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, về lý thuyết, nhà đầu tư có thể bỏ ra hơn 46 tỷ đồng để thâu tóm toàn bộ số tài sản trị giá trên nghìn tỷ của Thái Hòa.

Vốn hóa thị trường của THV đạt gần 50 tỷ, trong khi tổng tài sản trên 1.200 tỷ đồng.

Những thương vụ "giá hời" cũng hoàn toàn có thể xảy ra với 5 công ty khác đang có giá cổ phiếu từ 1.000 đồng trở xuống trên 2 sàn TP HCM (HOSE) và sàn Hà Nội (HNX). Cụ thể, ngoài THV, cổ phiếu NVC của Công ty cổ phần Nam Vang cũng có giá 1.000 đồng hôm 12/11 và tổng tài sản đến 30/9 là gần 1.120 tỷ đồng. Nhà đầu tư có thể bỏ ra 15 tỷ để sở hữu toàn bộ 15 triệu cổ phiếu đang lưu hành của Nam Vang.

Và với số tiền khoảng 31,5 tỷ đồng, một đơn vị có thể thâu tóm 100% khối tài sản (đến 30/6) trị giá 1.273 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn, khi mà cổ phiếu PSG đang có giá 900 đồng tại ngày 12/11.

Hoặc cũng bằng hình thức giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bỏ ra 9-30 tỷ đồng để mua khối tài sản 200-450 tỷ đồng của 3 đơn vị, là Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco (VSE) và Công ty cổ phần Container Phía Nam (VSG).

Chỉ tiêu Giá cổ phiếu
ngày 12/11
(đồng)
Tổng số cổ phiếu
đang lưu hành
(Triệu đơn vị)
Vốn hóa thị trường
(Tỷ đồng)
Tổng tài sản
(Tỷ đồng)
THV 800 57,7 46,16 1.235
NVC 1.000 15 15 1.118,5
PSG 900 35 31,5 1.273,5
SHN 900 33,3 30 407,2
VSE 800 9 7,2 204
VSG 800 11 8,8 449

Theo góc nhìn của một số chuyên gia, nếu mua lại những doanh nghiệp này, nhà đầu tư cần ưu tiên xét tới các yếu tố như là ngành nghề kinh doanh, nợ, tổng tài sản cấu thành, vốn chủ sở hữu. Trong đó, những câu hỏi như có bao nhiêu phần trăm là nợ xấu, bao nhiêu phần trăm nợ có thể thu hồi được; tài sản có có bao nhiêu phần trăm có khả năng sinh lời... cần phải đặt ra.

"Sau khi tìm hiểu qua các báo cáo, thì cần tiến hành gặp mặt trực tiếp để đánh giá. Đồng thời, phải xem thị trường nhìn nhận về giá trị thật của doanh nghiệp đó thế nào, chứ nếu không thì cũng giống như mình ôm một cục nợ vào. Và quan trọng là định hướng phát triển lâu dài", một chuyên gia đánh giá.

Đồng quan điểm trên, TS Alan Phan cho rằng, phải xét về nhiều yếu tố, trong đó, giá cả chỉ là "một phần rất nhỏ". "Quan trọng nhất là môi trường kinh doanh và khả năng sinh lời sau khi tiến hành thương vụ sáp nhập. Giống như khi ta mua xe, nếu nó hỏng hóc quá nặng, thì dù giá nó có rẻ thế nào thì cũng không có gì quan trọng", TS Alan Phan nhận xét.

Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, cả 6 công ty trên đều có tình hình kinh doanh không tốt. 9 tháng, THV đang là đơn vị lỗ nặng nhất, âm 198 tỷ đồng. Tiếp đó là NVC (-71 tỷ đồng), VSG (-38,8 tỷ đồng), VES (-14 tỷ đồng). SHN và PSG chưa công bố báo tài chính quý III, tuy nhiên, theo báo cáo bán niên, SHN lỗ 110 tỷ đồng, PSG lỗ 63 tỷ đồng sau 6 tháng kinh doanh.

Đến 30/9, THV, NVC là 2 đơn vị có nợ ngắn hạn trên 1.000 tỷ đồng. Còn PSG đến 30/6, nợ ngắn hạn đã 1.000 tỷ đồng. VSG, VSE lần lượt có nợ ngắn hạn là 104 tỷ đồng và 53 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý III. SHN tại thời điểm kết thúc quý II, nợ ngắn hạn 295 tỷ đồng.

Hàn Phi - vnexpress.net