uploads/banner/Banner_Final_AnPhu.jpg
tickTIN » 

Kiều bào dịch chuyển về nước đầu tư

Người Việt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang dịch chuyển về nước đầu tư, kinh doanh. Các ngành casino, du lịch, ẩm thực, thương mại, nông nghiệp... được Việt kiều đánh giá nhiều tiềm năng phát triển.

Trao đổi với VnExpress.net bên lề Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần 2 tại TP HCM, Việt kiều Mỹ Robert Chương cho biết đang xây dựng một chung cư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài ra ông còn xem xét đầu tư casino tại Việt Nam. Vị doanh nhân kiều bào quê ở Hải Phòng này chia sẻ, một trong những lý do ông trở về xúc tiến việc kinh doanh vì nhận thấy tiềm năng của thị trường trong nước rất lớn.

Trong khi đó, ông Ducky Luu (Việt kiều Canada), CEO Công ty Trans Pacific Timber Corp chia sẻ, bên cạnh các thương vụ ngành gỗ, nhận thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch nên ông cũng thâm nhập thị trường này và đang kinh doanh ngành lữ hành quy mô nhỏ.

Học ngành ẩm thực tại Mỹ 5 năm, lấy chồng là Việt kiều ở Ohio, thạc sĩ Phan Tôn Tịnh Hải không chọn xứ người làm đất hứa. Bà về nước làm Giám đốc Trường Đào tạo bếp Mint vì tin rằng ẩm thực Việt Nam sẽ còn nhiều đất diễn so với ngành ẩm thực thế giới.

Nhiều thế hệ kiều bào về nước dự Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần 2 và khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong nước. Ảnh: Vũ Lê

Nữ đầu bếp này bộc bạch: "Món ăn Việt có hương vị và bản sắc riêng, là con đường ngắn nhất đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng nên tôi quyết định trở về".

Trong bài tham luận chuyên đề, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, Đặng Minh Trường (Ukraina) đánh giá cao tiềm năng của ngành công nghiệp không khói (du lịch) tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm đầu tư dự án Bà Nà Hills và Intercontinental Resort (Đà Nẵng), ông Trường đưa ra lời khuyên cách cạnh tranh tốt nhất là phải tạo các sản phẩm khác biệt.

Doanh nhân Việt kiều này khoe, đầu tư từ năm 2004, đến năm 2012 lượng khách lên Bà Nà dự kiến đạt 800.000 khách, gấp 10 lần năm 2008. Trước khi Bà Nà Hills ra đời, du khách chỉ biết tới để Đà Nẵng tắm biển, tham quan Non Nước... rồi đi Hội An – Mỹ Sơn (Quảng Nam) hoặc ra cố đô Huế. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây lượng khách tới Đà Nẵng đã tăng gần 30%, thời gian lưu trú kéo dài hơn và Bà Nà đã có mặt trong lịch trình của các đơn vị lữ hành.

Với những kinh nghiệm đầu tư thực tế từ thị trường du lịch trong nước, ông Trường chia sẻ: "Cơ hội luôn hiện hữu trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp có thế mạnh riêng, chỉ cần tận dụng tốt cơ hội là có thể thành công".

Kiều bào dự lễ khai mạc Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần 2 tại TP HCM. Nhiều doanh nhân Việt kiều quan tâm đến cơ hội đầu tư ngành du lịch, thương mại, casino... tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê

Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Incentra (Nga), Việt kiều Lê Trường Sơn đánh giá cao hướng đầu tư mô hình trung tâm thương mại tại Mátxcơva, kêu gọi doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam sang Nga mở rộng thị trường.

Ông Sơn phân tích, Nga có nhu cầu tiêu thụ lớn các mặt hàng: nông - thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam. Quốc gia này mới chuyển sang kinh tế thị trường, lại không đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, chất lượng như Nhật, Châu Âu, Mỹ. Vì vậy, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu hàng trong nước sang Nga thông qua mạng lưới phân phối của cộng đồng người Việt và Trung tâm thương mại của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết: "Hiện nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao, kinh tế với hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kiều bào vì vậy có nhiều điều kiện trở về nước đầu tư nhiều hơn".

Về đầu tư nước ngoài, đến nay đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với trên 14.000 dự án. Vốn đầu tư đăng ký gần 207 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 96 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2012, vốn đầu tư thực hiện đạt 7,28 tỷ USD, tương đương cùng kỳ 2011. Vốn đăng ký đạt 8,4 tỷ USD, bằng 66,1% cùng kỳ. Các chỉ tiêu về xuất, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài có mức tăng so với cùng kỳ lần lượt là 34,1% và 25,5%.

Ông Thu cho biết thêm, tính đến tháng 9/2012, Việt Nam có trên 2.000 dự án được kiều bào đầu tư. Trong 2 quý đầu năm nay lượng kiều hối người Việt ở nước ngoài gửi về đạt khoảng 6 tỷ USD. Tính chung lượng kiều hối và đầu tư của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đạt gần 20 tỷ USD mỗi năm. "Kiều hối và các dự án đầu tư của kiều bào đang là nguồn đóng góp lớn và quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Thu nhận xét.

Hà Thanh - vnexpress.net