uploads/banner/Banner_Final_AnPhu.jpg
tickTIN » 

Trung Quốc hạn chế khai thác đất hiếm

Lệnh cắt giảm số giấy phép cấp cho việc khai thác đất hiếm vừa được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh nước này có căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền các hòn đảo với Nhật Bản.
 

Các loại đất hiếm. Ảnh minh họa: Wikipedia

Theo kênh truyền hình trung ương Trung Quốc, Bộ Đất đai và Tài nguyên đã quyết định cắt giảm 40% giấy phép khai thác (từ 113 xuống còn 67). Bản tin ngắn của đài truyền hình không cho biết quyết định này dự kiến sẽ có tác động gì đến số đất hiếm đã được sản xuất, AP cho hay.

Công bố này được đưa ra khi căng thẳng lên cao giữa Bắc Kinh và Tokyo về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Khi căng thẳng tương tự xảy ra trong năm 2010, Bắc Kinh đã tạm thời đình chỉ vận chuyển đất hiếm cho các khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên không rõ liệu Nhật Bản có bị tác động bởi sự thay đổi mới nhất này của Bắc Kinh hay không.

Bắc Kinh đã làm các nhà sản xuất toàn cầu lo ngại khi quyết định hạn chế sản xuất và xuất khẩu đất hiếm, trong khi cố gắng đẩy mạnh khả năng công nghệ chế biến đất hiếm của mình để thu hút nguồn lợi nhuận hiện đổ về các công ty Mỹ, Nhật và châu Âu. Các công ty này sử dụng đất hiếm để chế tạo ra loại nam châm nhẹ, các loại pin và nhiều sản phẩm khác.

Trung Quốc chiếm khoảng 30% trữ lượng, nhưng lại chiếm tới 90% sản lượng đất hiến của thế giới.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã khiếu nại việc Trung Quốc kiểm soát đất hiếm lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng ba. Các quan chức Trung Quốc nói rằng việc kiểm soát này phù hợp với luật lệ của WTO và là cần thiết để bảo tồn nguồn dự trữ đang cạn kiệt và giảm thiểu tác hại đến môi trường do khai thác gây ra.

Đất hiếm gồm 17 loại kim loại dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như ôtô hybrid, vũ khí, màn hình phẳng TV, điện thoại di động, đèn thủy ngân cao áp và ống kính máy ảnh.

Việc hạn chế này đặc biệt nhạy cảm vào thời điểm khi các chính phủ đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm thiểu thất nghiệp. Mỹ và châu Âu muốn đẩy mạnh việc bán các hàng công nghệ cao trong đó có nhiều sản phẩm sử dụng tới đất hiếm.

Mỹ, Canada, Australia và một số nước khác cũng có trữ lượng đất hiếm nhưng hầu hết việc khai thác đã bị dừng lại trong những năm 1990 của thế kỷ trước, khi các quặng đất hiếm giá rẻ của Trung Quốc thâm nhập thị trường.

Quan chức Trung Quốc nói rằng họ hy vọng các công ty nước ngoài sẽ chuyển các dây chuyền sản xuất vào Trung Quốc và chia sẻ công nghệ sản xuất với các đối tác địa phương.

Tháng trước, Bắc Kinh siết chặt kiểm soát khai thác và nấu chảy đất hiếm, công bố mức sản xuất tối thiểu cho các công ty. Truyền thông nhà nước nói rằng biện pháp này có thể giảm tới 20% khả năng sản xuất đất hiếm của cả nước.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã hạn chế số lượng các công ty được phép xuất khẩu đất hiếm. Hạn chế của Băc Kinh đã thúc đẩy các nhà sản xuất công bố các kế hoạch mở lại hoặc phát triển mới các mỏ đất hiếm ở Mỹ, Canada, Ấn Độ, Nga, Malaysia và các nước khác.

Phạm Ngọc Uyển - vnexpress.net